Chào mừng bạn đến với Trang Du lịch ruộng bậc thang huyện Mù Cang Chải - tỉnh Yên Bái

Ngô trong văn hóa ẩm thực của đồng bào H’Mông Mù Cang Chải, Yên Bái

19/11/2015 3:30:18 SA

904: view

 Mèn mén

Là một trong những món ăn phổ biến và đặc trưng nhất của người H’Mông. Không phải món cao lương mỹ vị nhưng mèn mén lại khiến nhiều người khó quên khi nếm thử một lần.

Món ăn này được làm từ những hạt ngô tẻ địa phương, là thực phẩm hàng ngày của đồng bào dân tộc H’Mông. Cứ sau mỗi mùa thu hoạch, ngô lại được đồng bào Mông phơi trên những hiên nhà hay gác bếp, chờ khi thật khô mới đem đi làm mèn mén. Tuy nhiên, để có được bát thành phẩm ngon phải trải qua nhiều công đoạn và thời gian. Ngô sau khi thu hoạch về được tách lấy hạt, rồi đem xay, dùng sàng lọc bỏ các hạt ngô to và vỏ ra ngoài. Dặc biệt Ngô được xay bằng cối đá, công việc này chủ yếu do những người phụ nữ trong gia đình đảm nhiệm và đây là công đoạn mất nhiều thời gian nhất để làm ra món Mèn mén.

Ngô xay xong được đem sàng để bỏ mày và sạn, sau đó bỏ vào cái nia được đan bằng tre mây bắt đầu công đoạn trộn bột. Để trộn được bột ngon, đủ độ không bị vón hay quá khô, người Mông phải tính toán lượng nước cho phù hợp, vì nếu như bột khô quá khi hấp sẽ rất khó chín, còn nếu như bột quá vón thì món ăn trở lên nát, không ngon miệng. Chính vì vậy, người làm món này thường là người có kinh nghiệm nấu nướng trong gia đình, để đảm bảo chuẩn và giữ nguyên hương vị.

Bột ngô sau khi được đánh tơi cho vào một chiếc “chõ đồ” lớn bằng gỗ, và được đặt trên bếp lửa hấp tất cả hai lần. Thời gian hấp lần thứ nhất tùy vào từng loại ngô, nếu là ngô non thì chỉ sau khi nước trong chảo sôi, hơi bốc nhiều trên miệng chõ là được. Nếu là bột ngô già thì cần thời gian lâu hơn, để bột ngô vừa đổ ra  mẹt đánh tơi, đợi ngô bớt nóng sẽ được vò cho tơi. Do đồ lần đầu tiên chưa chín hẳn nên người làm vẫn phải cho thêm một lượng nước vừa đủ và đảo đều tay để bột không bị vón. Khi thấy bột tơi trở lại thì tiếp tục cho vào chõ để đồ lần hai, cũng là lần cuối cùng, giữ lửa vừa đủ để mèn mén chín đều.

Mèn mén khi chín có hương vị thơm ngọn đậm đà. Do là món ăn khô nên mèn mén thường được ăn với một số món canh như rau bí đỏ, rau cải, canh xương, nước thắng cố... hoặc món Mèn mén còn trộn cơm được rất nhiều người Mông yêu thích vì vị ngọt, bùi, thơm của ngô và vị mềm dẻo của cơm. Tại các phiên chợ, món này còn được hòa vào nước dùng để ăn cùng phở hay mỳ tạo hương vị thơm ngon, đậm đà.

Bánh ngô

Không chỉ có Mèn mén, ngô còn được chế biến thành nhiều món bánh hấp dẫn được gọi là bánh ngô, tiếng địa phương gọi là “pá páo cừ”. Bánh ngô chủ yếu được làm từ ngô nếp, thơm và dẻo. Khi hạt ngô còn sữa, hái về đem tách hạt rồi cho vào cối đá xay nghiền thành bột. Sau đó, họ bỏ bột ngô xay vào trong một chiếc túi treo lên cao để phần nước thoát ra ngoài còn bột ngô được giữ lại bên trong.

Để bột ngô nhanh khô người ta đặt túi bột ngô vừa xay vào đống tro bếp để tro bếp hút nước được nhanh hơn. Khoảng hai ngày thấy bột ngô trong túi đông lại, cho ra đánh tơi rồi cho một lượng nước vừa đủ vào đảo đều sau đó lăn thành từng chiếc bánh hình tròn giống như bánh rán đem chảo rán vàng.

Tùy thuộc vào sở thích của từng người mà khi nặn bánh họ cho thêm một ít mật mía, hoặc mặt ong vào trộn để khi ăn bánh có vị ngọt của mật mía, mật ong và mùi thơm của ngô non. Còn một số gia đình thường gói thành bánh ba cạnh, nặn thành từng bánh nhỏ rồi lấy bẹ của bắp ngô gói bên ngoài thành hình tam giác sau đó bỏ vào chõ hấp chín. Khi ăn bánh rất dẻo, có mùi vị thơm ngon.

Rượu ngô

Có lẽ món hấp dẫn nhất với đàn ông H’Mông lại chính là rượu ngô. Cứ tới phiên chợ, là đông như chảy hội vì người ta được gặp gỡ, trò truyện với nhau. Đàn bà thì mải bán hàng còn đàn ông thì ngồi cà kê câu chuyện, bên cạnh tiếng rít của thuốc lào và tiếng leng ceng của bát rượu ngô khi họ chúc nhau. Đó cuộc sống của bà con nơi đây sống đơn giản thế đó, họ quây quần bên bàn rượu ngô tạm quên đi sự mệt nhọc của một ngày lao động vất vả, mang tới cho nhau những niềm vui và tiếng cười.

Rượu ngô là loại rượu được người H’Mông sử dụng ngô là nguyên liệu chính để nấu rượu. Trước đây, người H’Mông thường dùng các giống ngô địa phương, chủ yếu là ngô tẻ để nấu rượu. Chính nhờ hương vị đặc trưng của giống ngô địa phương, kết hợp loại men được làm từ hạt hồng mi, cùng với kỹ thuật ủ cái rượu, trưng cất rượu được đúc kết qua nhiều thế hệ mà người H’Mông đã cho ra một loại rượu có hương vị thơm ngon, đậm đà riêng của mình. Rượu là thức uống được người H’Mông sử dụng hàng ngày và không thể thiếu trong các dịp lễ Tết để cúng tổ tiên, mời anh em, con cháu, bạn bè đến chơi nhà cùng nhâm nhi hàn huyên tâm sự.

Ngày nay, khi kinh tế đã phát triển, cuộc sống của đồng bào H’Mông cũng khấm khá hơn bởi vậy các món ăn chế biến từ ngô cũng đã giảm dần, đặc biệt là món mèn mèn không còn được đồng bào chế biến thường xuyên như trước đây nữa, tuy nhiên đối với đồng bào H’Mông nó vẫn là món ăn truyền thống, hấp dẫn và không thể thiếu được trong các dịp lễ Tết hay vào các buổi chợ phiên.

BBT

Các tin khác

1-5 of 9<  1  2  >

NHỮNG ĐIỂM DU LỊCH

Bản đồ du lịch

Du khách chia sẻ